Tục Lệ Tết Nguyên Đán

Tết Nguyên Đán là ngày lễ quan trọng nhất của người Việt Nam, nhằm ngày đầu năm âm lịch khoảng tháng hai dương lịch. Chữ Tết do đọc trại từ chữ Tiết (chữ Hán) mà ra. Nguyên là đầu, Đán là buổi sáng. Chúng ta thường gọi tắt là “Tết”. Sau đây là những tục lệ xảy ra trước và trong ba ngày Tết.

Lễ Táo Quân

Hằng năm vào 23 tháng chạp, mọi người làm lễ tiễn Táo Quân về trời tâu với Ngọc Hoàng những việc đã xảy ra suốt năm trong mỗi nhà để Nam Tào Bắc Đẩu ghi chép công tội. Thường gia chủ bầy một mâm: chè, cá chép còn sống để Táo Quân cưởi lên chầu trời, ba bộ y phục bằng giấy gồm có mũ, áo và hia.

Lễ Cúng Gia Tiên

Chiều 30 Tết, người ta làm mâm cơm canh để cúng gia tiên hay còn gọi là rước ông bà. Sau đó đèn nhang được thắp suốt mấy ngày Tết, một ngày phải cúng cơm ba bữa.

Lễ Giao Thừa (Trừ Tịch)

Trừ Tịch là giờ phút cuối cùng của năm cũ sắp bước qua năm mới. Đúng 12 giờ khuya của ngày 30 (tháng thiếu thì 29) tháng chạp mọi người làm lễ giao thừa. Ta tin rằng mỗi năm có một vị thần hành khiển của năm cũ và năm mới, cúng cả Thành Hoàng và Thổ địa. Mỗi nhà bày một mâm lễ vật ở trong sân hay trước nhà, mâm cúng thường có giấy vàng bạc, nhang, rượu, trầu, hoa quả, xôi, gà nước, gạo muối… Người lớn tuổi nhất trong nhà đứng ra khấn vái, lễ được cử hành trọng thể trong tiếng pháo đốt vang chạy thật vui tai.

Lễ Đình Chùa, Hái Lộc

Lễ giao thừa xong, người ta kéo nhau đi lễ chùa, đình,… cầu xin Phật, thánh thần phù hộ cho bản thân và gia đình được may mắn, an lành trong suốt năm mới. Người ta thường xin quẻ xâm đầu năm. Đi lễ xong lúc trở về người ta còn ra vườn chùa bẻ cành lá gọi là hái lộc, cành lộc này đem cắm trước bàn thờ gia tiên cho đến khi tàn khô. Cành lá xanh tốt khi mang về biểu hiện sự vui tươi, hạnh phúc và phát tài. Nhiều người không hái lộc mà lấy ít hương gọi là hương lộc, sau khi đứng không phải trước bàn thờ ở đình chùa rồi về cắm bàn thờ tổ tiên hoặc gia công. Ngọn lửa đỏ là Phật sẽ ban cho gia đình may mắn và thịnh vượng.

Chọn Hướng

Khi đi lễ người ta kén giờ và kén hướng (hạp với tuổi) xuất hành đúng hướng, đúng giờ để gặp may mắn quanh năm.

Đốt Pháo

Trong đêm giao thừa, mọi người không phân biệt giàu nghèo, thành công hay thất bại trong năm cũ. Ai ai cũng thi nhau đốt pháo. Đúng 0 giờ tiếng pháo nổ vang từng nhà. Có gia đình đốt pháo từ chiều 30 Tết khi rước tổ tiên. Đốt pháo tượng trưng cho tiêu trừ ma quỷ. Pháo nổ to và tròn biểu hiện cho niềm vui ngày Tết.

Lễ Tết, Chúc Tết, Lì Xì

Ngày Tết các cụ đi lễ Tết các nhà họ và hàng xóm. Tới nhà nào câu nói đầu tiên là: “Chúc mừng năm mới”. Gặp cụ già thì chúc: “sống lâu trăm tuổi”. Gặp thương gia thì: “mua may bán đắt, tiền vô như nước”. Tới nhà quan lại, công chức: “sớm thăng quan tiến chức”. Đối với học sinh: “học hành tấn tới thi đậu cao”, “vạn sự như ý” v.v…

  • Mồng một Tết sau khi cúng gia tiên, ông bà hoặc cha mẹ mừng tuổi con cháu bằng  bỏ ít tiền vào bao giấu đỏ gọi là lì xì lấy hên. Khi đến thăm gia đình nào khách bao giờ cũng chuẩn bị sẵn để lì xì con cháu chủ nhà. Con cháu họ hàng bà con nếu còn nhỏ đến nhà chúc Tết đều được tiền mừng tuổi.
  • Mồng hai Tết: lễ tổ bên ngoại, đi chúc Tết chỗ thân tình, bạn thân. Con rể phải đi chúc Tết nhạc gia.
  • Mùng ba Tết: (Tết Thầy) học cho dù lớn tuổi cũng phải đến bái niên Thầy Cô giáo.

Kiên Cử

Trong ngày đầu năm, mọi người cử: quét nhà, nếu dơ quá thì quét sơ, vun rác tạm thời trong góc nhà, cấm không quét ra khỏi nhà vì sợ tiền bạc sẽ tuôn ra như nước. Một vài thí dụ kiêng cử: kiêng làm bể chén bát, kiêng mặc áo trắng mà có điều tang tóc, kiêng nói những lời không tốt, không gây lộn v.v…

Trên đây chỉ vài ý nghĩ về tục lệ Tết cổ truyền tại Việt Nam hầu giúp giới trẻ hiểu phần nào về ngày Tết của dân ta. Vì đời sống tha hương Tết ở hải ngoại, những nghi lễ có phần đơn giản hơn.

Huỳnh Trang

(Biên khảo)